Cách đây 47 năm, sau chiến dịch 81 ngày đêm ở Quảng Trị, Trung ương Đảng, Bộ Quốc phòng nhận định cuộc chiến tranh sẽ còn lâu dài và gian khổ. Và thực tế lịch sử lúc bấy giờ đã đặt ra yêu cầu cấp bách cho quân và dân ta đó là: Muốn bảo đảm thắng lợi, ta phải củng cố mọi mặt về quân sự, chính trị, đặc biệt là công tác hậu cần. Theo tinh thần ấy, nhằm đáp ứng kịp thời cho cuộc kháng chiến, Đại đội 17 công binh trực thuộc Trung đoàn 1 nhận nhiệm vụ cùng các đơn vị của K1 và K2 bộ binh phối hợp để tạo dựng cơ sở vật chất cho chiến dịch, trong đó có việc xây dựng một địa đạo tại khu vực phòng tuyến An Hô.
Khi đã hội đủ các yếu tố về địa hình, địa vật, cấu tạo địa chất cộng với các yếu tố về thời tiết trong khu vực, đến tháng 6-1973, các đơn vị bắt tay vào thi công, thay nhau làm việc 3 ca liên tục suốt ngày đêm để địa đạo được hoàn thành. Địa đạo có chiều rộng 2m, chiều cao 2m và chiều dài hơn 100m hình chữ U, 2 cửa, bên trong có các kho chứa vũ khí, lương thực, quân nhu và một diện tích đủ cho một ban chỉ huy trung đoàn hay sư đoàn họp bàn và chỉ huy chiến dịch. Địa đạo có quy mô lớn được đào hoàn toàn thủ công. Bằng sự lao động quên mình của các chiến sĩ công binh, sự sáng tạo, dũng cảm trong chỉ huy và tổ chức thi công, hai hướng đường hầm khi gặp nhau trong lòng núi.
Đến đầu năm 1974, địa đạo mới được hoàn thành và đón những tấn vũ khí đầu tiên, những tấn gạo và nhu yếu phẩm vào đây để phục vụ đời sống, chiến đấu của lực lượng làm nhiệm vụ trong khu vực An Hô và các điểm cao lân cận. Đây cũng là nơi dự trữ hậu cần để chiến đấu và chốt giữ lâu dài trên phòng tuyến Sông Bồ, bảo vệ vững chắc vùng giải phóng, không cho địch lấn chiếm.
Sự ra đời của Địa đạo An Hô đã giúp cho bộ chỉ huy của Trung đoàn 1, Sư đoàn 324 trú quân để chỉ huy các trận đánh và các chiến dịch. Đồng thời dự trữ vũ khí đạn dược, lương thực, quân nhu cho phòng tuyến An Hô, góp phần giữ vững vùng giải phóng, tạo đà cho chiến dịch giải phóng thành phố Huế và Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước Mùa Xuân 1975. Căn địa đạo bề thế trên dãy núi An Hô như chứng tích của một thời hào hùng những năm đánh Mỹ.
Khẳng định dấu ấn lịch sử đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có Quyết định công nhận Đại Đạo An Hô là di tích lịch sử (lưu niệm sự kiện) cấp Tỉnh theo nguyện vọng của các cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 324 là đơn trực tiếp hoạt động tại đây, đồng thời đây cũng là nguyện vọng của nhân dân và những người làm công tác bảo tồn di tích lịch sử.
Có thể khẳng định đây là việc làm kịp thời, có ý nghĩa hết sức to lớn thể hiện sự tôn vinh và khẳng định những giá trị lịch sử của di tích; sự tưởng nhớ, tri ân các cán bộ, chiến sĩ, những người đã cống hiến cả tuổi thanh xuân, nhiều đồng đội của các anh đã ngã xuống nơi đây, và cũng là trách nhiệm và bổn phận của mỗi một chúng ta trong công cuộc bảo tồn, gìn giữ những giá trị vật chất, tinh thần của lịch sử quê hương.
Việc công nhân của UBND tỉnh là bước đi quan trọng và có tính định hướng cao trong việc bảo tồn, gìn giữ, tôn tạo di tích lịch sử Địa Đạo An Hô, đồng thời cũng đặt ra cho chúng ta những nhiệm vụ mới trong việc phát huy giá trị của di tích đặc biệt này.
Thứ nhất là: Xây dựng nội quy, quy chế bảo vệ và phát huy giá trị di tích, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đến tham quan;
Thứ hai là: Thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Di sản Văn hóa về bảo vệ và phát huy di tích Địa Đạo An Hô;
Thứ ba là: Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các thế hệ học sinh, sinh viên về giá trị lịch sử của di tích;
Thứ tư là: Xây dựng phương án bảo tồn và phát huy giá trị di tích với hình thức, nội dung phù hợp để quản lý và khai thác thật khoa học, hiệu quả giá trị lịch sử của di tích, xem đó là niềm vinh dự, tự hào và cũng là trách nhiệm lớn lao đối với sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc.